Tin VNPT , Wed, Jan 15, 2020
Trong điều kiện thị trường viễn thông cạnh tranh quyết liệt và đã ở ngưỡng bão hòa, năm 2019, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn tăng trưởng lợi nhuận 10% so với năm 2018. Điều này cho thấy sự chuyển hướng hiệu quả của VNPT khi "tiến công" vào cuộc cách mạng số.
Dịch vụ MyTV của VNPT tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019.
Cụ thể, kết thúc năm 2019, VNPT đạt tổng doanh thu 167.983 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2018; lợi nhuận đạt 7.100 tỷ đồng, tăng 10%. Các chỉ tiêu khác tiếp tục bảo đảm như, lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 10,9%, tăng 7%; nộp ngân sách nhà nước 4.926 tỷ đồng, tăng 10%. Trong đó, VNPT vươn lên vị trí thứ 2 về giá trị thương hiệu (1,683 tỷ USD, tăng 14%) trong tốp 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam; thương hiệu VinaPhone cũng đứng thứ 7 và là nhà mạng duy nhất có số thuê bao chuyển đến lớn hơn so với số thuê bao chuyển đi (đạt dương gần 60.000 thuê bao)…
“Các dịch vụ được định hướng phát triển theo dịch vụ số đều đạt tăng trưởng mạnh, khẳng định chiến lược đúng đắn từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang dịch vụ số…” - ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn nhấn mạnh. Trong đó phải kể đến dịch vụ MyTV tăng trưởng đột phá ở mức 210% về thuê bao phát triển mới, đạt hơn 750.000 thuê bao, nâng tổng số thuê bao phát sinh cước đạt hơn 1,63 triệu. Đặc biệt, xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và VNPT có vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số nền kinh tế, Tập đoàn đã tập trung nguồn lực rất lớn cho lĩnh vực này và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Trước hết, việc triển khai thành công Trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia, hai thành tố vô cùng quan trọng trong kiến tạo chính phủ điện tử đã thể hiện vị trí tiên phong của VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ triển khai chính phủ điện tử. Trong đó, Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức được đưa vào hoạt động từ ngày 12-3-2019 bảo đảm kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương, góp phần tiết kiệm 1.200 tỷ đồng/năm. Cổng dịch vụ công quốc gia được khai trương đầu tháng 12-2019 giúp công khai, minh bạch thủ tục hành chính… có thể tiết kiệm ít nhất trên 4.000 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, VNPT tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ cốt lõi khác. Theo đó, bộ sản phẩm chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 53 tỉnh, thành phố; phần mềm VNPT-iOffice (giải pháp phần mềm dùng chung trao đổi thông tin, điều hành tác nghiệp và quản lý công văn, văn bản, hồ sơ công việc) trên toàn quốc đã tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh; giải pháp phòng họp không giấy tờ VNPT-eCabinet đã triển khai cho UBND thành phố Hồ Chí Minh và gần 150 đơn vị.
VNPT hiện đã tham gia khảo sát, tư vấn xây dựng đề án đô thị thông minh cho 28 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 8 địa phương so với năm 2018); xây dựng giải pháp du lịch thông minh cho 50 tỉnh, thành phố (tăng 20 địa phương). Hiện nay, gần 55% cơ sở y tế đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện (VNPT-HIS), gần 60% trường học sử dụng giải pháp giáo dục thông minh (VNPT-VnEdu); dịch vụ hóa đơn điện tử (VNPT Invoice) đạt khoảng 1,4 triệu hóa đơn phát hành, tăng 2 lần.
Về mục tiêu năm 2020, Phó Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho biết, VNPT phấn đấu đạt tổng doanh thu 171.300 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019; lợi nhuận tăng trưởng 5-10%... Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn, cán bộ chủ chốt đã thống nhất phải thực hiện đột phá các giải pháp trong năm 2020 và các năm tiếp theo, coi đó là những nhiệm vụ quan trọng để "tiến công" vào cuộc cách mạng số, đưa VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu. Theo đó, VNPT tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng nhân sự theo tiêu chuẩn quốc tế; tạo sự đột phá trong chuẩn bị đội ngũ nhân sự quản lý trẻ; chuyển đổi văn hóa phù hợp xu thế và vận dụng cơ chế lương, thưởng để thu hút tài năng.
Cùng với đó, VNPT thực hiện đột phá đầu tư hạ tầng cho mạng di động, băng rộng cố định, dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ số; trong đó, triển khai hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin theo định hướng hội tụ, tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng điện toán đám mây, tập trung nguồn lực vào hình thành nền tảng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn) và Fintech (công nghệ tài chính). VNPT cũng phát triển hệ sinh thái dịch vụ số VNPT Digital Ecosystem dựa trên ba định hướng chủ đạo...