Ngày 18-1, Cục An toàn thông tin (ATTT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo: “An toàn thông tin 4.0 - Thực trạng và sáng kiến”. Đồng hành cùng sự kiện này, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VinaPhone và Tập đoàn bảo mật F-secure đã tham gia với tư cách là nhà tài trợ chính.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Việc áp dụng rộng rãi những tiến bộ của CNTT-TT, như IoT, điện toán đám mây, công nghệ thực tế - ảo... vào mọi hoạt động của xã hội từ cuộc sống hàng ngày, công việc, chính phủ điện tử, thành phố thông minh hay tới các hệ thống công nghiệp… đã làm mờ đi ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo.
Tuy nhiên, mặt trái của thế giới kết nối đó là rất nhiều các nguy cơ và rủi ro mất ATTT tiềm ẩn trong sự phát triển quá nhanh của công nghệ. Với mong muốn phác thảo về thực trạng ATTT tại Việt Nam đang phải đối mặt hiện hay để cùng nhau chia sẻ, thảo luận đưa ra được các sáng kiến và phương hướng chung tay vì một không gian mạng an toàn hơn, Cục ATTT đã phối hợp cùng Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VinaPhone và Tập đoàn bảo mật F-secure tổ chức Hội thảo: “An toàn thông tin 4.0 - Thực trạng và sáng kiến”.
Hội thảo có sự xuất diện của ông Mikko Hypponen, một trong những “huyền thoại” của làng bảo mật thế giới. Mikko Hypponen là một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm Anti Virus trên thế giới từ những năm 1980. Diễn giả Mikko đã cung cấp nhiều thông tin về quá trình phát triển, ứng dụng và hiện trạng của IoT trên thế giới cũng như tại Việt Nam, các nguy cơ mất ATTT, các sự cố nổi bật đối với hệ sinh thái IoT và kinh nghiệm quốc tế về chính sách, tiêu chuẩn và thực thi bảo đảm ATTT cho IoT.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng có tham luận từ các góc nhìn của nhiều chuyên gia nhằm khuyến nghị giải pháp đảm bảo ATTT cho IoT theo nhiều hướng tiếp cận, bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp sản xuất thiết bị và phát triển giải pháp bảo đảm ATTT cho IoT; nhà cung cấp hạ tầng mạng viễn thông, Internet; và người sử dụng thiết bị IoT là cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về phía VinaPhone, nhà mạng luôn nhận thức rõ ràng về những nguy cơ và sự đa dạng của các hình thức tấn công trên mạng hiện nay, bao gồm: Tấn công từ chối dịch vụ, tấn công có chủ đích APT, mã độc ransomware, giả mạo thông tin trên mạng xã hội, chiến tranh không gian mạng và đặc biệt là tấn công thông qua các thiết bị IoT…
Vì vậy, với vai trò là nhà mạng cung cấp đầy đủ và toàn diện dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin tại Việt Nam, VinaPhone luôn chú trọng vào công tác triển khai các hoạt động, hệ thống, dịch vụ nhằm bảo vệ an toàn, an ninh thông tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ của VinaPhone và chuyển động cùng xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VinaPhone cho biết: “Bên cạnh viện hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật về đảm bảo an toàn thông tin, VinaPhone luôn xác định con người là yếu tổ then chốt. VinaPhone đã đầu tư tổ chức đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản, hoạt động chuyên biệt nhằm thực hiện xuyên suốt công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin, triển khai các biện pháp phòng ngừa từ rất sớm, thường xuyên đánh giá an toàn thông tin của các hệ thống công nghệ thông tin và tập luyện liên tục để có thể phát hiện và ngăn chặn các tấn công phức tạp”.
Ông Tuấn cũng khẳng định thêm tại hội thảo, thời gian tới nhà mạng sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa với mục tiêu đảm bảo trải nghiệm người dùng một cách tốt nhất và an toàn nhất.
(Mai Hồng)