Tin VNPT , Tue, Oct 5, 2021
Thị trường điện toán đám mây (ĐTĐM) của Việt Nam cuối năm 2020 đạt khoảng 200 triệu USD (tương đương 4.600 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 20,67%. Năm 2021 và những năm tiếp theo, các chuyên gia trong ngành dự đoán còn phát triển bùng nổ hơn thế…
Thị trường ĐTĐM tại Việt Nam có 03 nhóm nhà cung cấp: các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Microsoft..., các doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn với sự đầu tư đồng bộ bao gồm: VNPT, Viettel, CMC, FPT và một nhóm các doanh nghiệp nhỏ cung cấp các ứng dụng hoặc dịch vụ.
Hiện nay có 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ĐTĐM, tổng giá trị thị trường đạt khoảng 858 triệu USD. Thị phần các Nhà cung cấp ĐTĐM trong nước tại Việt Nam chiếm 21%, tổng giá trị thị trường đạt khoảng 196,11 triệu USD, doanh thu IaaS chiếm tỷ trọng 85% đạt 167 triệu USD; PaaS chiếm tỷ trọng 15% tương đương 29 triệu USD.
Các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM tại Việt Nam có thế mạnh về hạ tầng kết nối, năng lực về trung tâm dữ liệu, cơ bản đã tiếp cận và phát triển được đa dạng giải pháp dịch vụ ở nhiều phân lớp.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đứng thứ 14/14 nước châu Á - Thái Bình Dương (APAC) về chuyển dịch thích nghi với công nghệ đám mây. Khảo sát của ACCA về 14 nước APAC dựa trên Chỉ số sẵn sàng đám mây CRI (Cloud Readiness Index), Việt Nam được 46,2/66 điểm.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được 30 điểm đứng thứ 5/5. Chỉ số AI/Big data của Việt Nam đứng thứ 3/5 trong khu vực. Còn chỉ số IoT Việt Nam cũng đứng thứ 3/5. 4 nền tảng lõi để phát triển các nền tảng ứng dụng khác là đám mây, IoT, dữ liệu lớn và AI.
Cơ hội tăng trưởng, bùng nổ trước đại dịch
Thị trường ĐTĐM đã tăng trưởng nhanh chóng và đạt được những thành công nhất định, không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam trong năm nay.
Phát huy hết quả năm 2020, thị trường ĐTĐM năm 2021 đã được các chuyên gia trong ngành dự đoán về sự bùng nổ phát triển, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm đến nay khiến nhu cầu về công nghệ của doanh nghiệp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Có thể nói, dưới sự định hướng, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ TT&TT về chuyển đổi số, ứng dụng số trong hoạt động quản lý nhà nước và doanh nghiệp, ngày càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm chi phí và dễ thực hiện.
Và trên thực tế, các dịch vụ ĐTĐM của các nhà cung cấp trong nước với ưu thế về tính linh hoạt, thuận tiện với chi phí phù hợp sẽ phù hợp với lựa chọn của doanh nghiệp. Điều này đã giúp các chuyên gia tự tin dự báo tỷ lệ tăng trưởng sẽ nhanh hơn trong thời gian tới và là hạ tầng tiềm năng bổ sung cho các hạn chế thách thức của hạ tầng viễn thông truyền thống.
Những kỳ vọng, mục tiêu cho năm 2025 và 2030
Dự thảo quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến nhân dân, đã định hướng phát triển Chính phủ tiên phong trong việc phát triển hạ tầng điện toán đám mây “Make in Viet Nam”.
Theo đó, việc sử dụng hạ tầng và dịch vụ điện toám đám mây là điều kiện tiên quyết của bất kỳ dự án kỹ thuật số mới, góp phần tái cấu trúc hạ tầng CNTT của các bộ, ngành, địa phương, chuyển đổi hạ tầng CNTT thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ ĐTĐM phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước một cách linh hoạt, ổn định và hiệu quả, tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu
Điều này cũng sẽ giúp thúc đẩy hạ tầng điện toán đám mây Make in Viet Nam; Phát triển đầy đủ các mô hình điện toán đám mây phục vụ phát triển kinh tế số - xã hội số.
Với định hướng đó, yêu cầu phát triển đến năm 2025 được dự thảo đưa r đó là: Tổng doanh thu thị trường ĐTĐM Việt Nam đạt từ 4,5 đến 5 tỷ đô la Mỹ với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 55 đến 60%/năm, trong đó doanh thu phát sinh từ dịch vụ ĐTĐM khối cơ quan Chính phủ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu toàn thị trường.
80% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ ĐTĐM. 100% cơ quan quản lý nhà nước sử dụng dịch vụ ĐTĐM của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước. 70% thị phần dịch vụ ĐTĐM tại Việt Nam thuộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước. 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp qua nền tảng ĐTĐM đảm bảo cung cấp 24/7.
Đến năm 2030, hạ tầng ĐTĐM, hạ tầng IoT được tích hợp, ứng dụng rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế số, xã hội số.